Đồng bào Cơ Tu sống ở huyện miền núi Đông Giang tỉnh Quảng Nam. Với nghề truyền thống có từ lâu đời như đan lát, dệt thổ cẩm, cùng với sự sáng tạo qua thời gian kết hợp với các hoạt động văn hóa mang đặc trưng riêng, đồng bào Cơ Tu nơi đây đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch thủ công nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho nhiều gia đình ở vùng cao Đông Giang.
Hỗ trợ người dân làm du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn văn hóa
Thời gian qua, du khách đến Quảng Nam bắt đầu quan tâm đến những điểm đến du lịch miền núi nói chung và không gian văn hoá đậm nét truyền thống của người Cơ Tu ở Đông Giang nói riêng, tạo điểm nhấn thêm cho nhiều sản phẩm du lịch địa phương.
Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, huyện Đông Giang mỗi ngày đón hơn hàng trăm du khách ghé thăm. Từ khi chính thức vận hành đến nay, khu du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội mang tính trải nghiệm như lễ mừng lúa mới, lễ dựng làng, dựng nhà Gươl…giúp du khách có thể tìm hiểu, thưởng thức và chính tay thực hiện các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Đông Giang, mảnh đất quê hương của đồng bào Cơ Tu.
Để đa dạng sản phẩm, dịch vụ nhưng vẫn bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch cũng đã lựa chọn giới thiệu trình diễn điệu múa Tung tung Da dá hàng đêm cho khách du lịch thưởng thức và trải nghiệm góp phần quảng bá những nét văn hoá đặc sắc về đời sống, phong tục tập quán của người bản địa, bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ Tu, tạo điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng.
Làng Bhơ Hôồng làm du lịch cộng đồng từ năm 2013. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa dân tộc Cơ Tu đặc sắc như nghề chế tác các nhạc cụ, đan lát, dệt thổ cẩm.
Anh Briu Nhiên, thành viên Ban Quản lý làng Du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang hào hứng chia sẻ: “Thôn với hơn 300 người chủ yếu là dân tộc Cơ Tu với trên 50% dân số làm nghề truyền thống dệt thổ cẩm và đan lát mây tre. Tổ hợp tác gồm 30 thành viên được chia ra những nhóm dịch vụ để phục vụ hoạt động du lịch. Theo đó, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực dân dã, tham gia giao lưu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng với các loại nhạc cụ, vũ điệu của người Cơ Tu.”
Ngoài ra, anh Nhiên cho biết thêm: “từ khi Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang đi vào hoạt động, lượt khách đến tham quan trải nghiệm tại làng Bhơ Hồông cũng đã tăng từ 5 đến 6 lần so với năm ngoái, du khách đa phần chủ yếu là đặt ẩm thực và tham gia trải nghiệm các dịch vụ nhạc cụ.”
Đồng thời, du khách còn được trải nghiệm cùng người dân địa phương làm những món ăn truyền thống đậm chất hoang sơ, dân dã núi rừng như cơm lam, thịt nướng, cá nướng ống tre. Đặc biệt thưởng thức những đặc sản mang hương vị núi rừng như rượu cần, rượu Tà Vạt…
Theo bà Võ Ngọc Anh, Giám đốc FVG Travel, đại diện chủ đầu tư dự án KDL sinh thái Cổng Trời Đông Giang chia sẻ, “khi màn đêm buông xuống, du khách sẽ được hòa mình cùng các nghệ nhân trong điệu múa Tung tung Da dá. Hiện tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang cũng đưa vào hoạt động các nhà Moong lưu trú cho khách, và có khu trưng bày các sản phẩm văn hóa của địa phương. Từ khu lưu trú, đến khu trưng bày được thiết kế, bố trí đậm bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.”
Nhằm hướng đến xu hướng du lịch xanh gần gũi với thiên nhiên, chủ đầu tư cũng triển khai nhiều hoạt động gắn liền với hệ thống thác suối tự nhiên hiện có như tắm suối, trượt máng trượt, nhảy cầu, hay massage lưng trên các mỏm đá tự nhiên, tắm suối lộ thiên ở công viên rừng Bòn bon… Trong thời gian đến, sẽ tiếp tục triển khai nhiều gói sản phẩm gần gũi và đặc trưng gắn liền với cảnh quan nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khách tham quan nghỉ dưỡng, hướng đến là điểm đến lý tưởng của du khách.
Ông Đỗ Hữu Tùng, phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ, “với sự liên kết của nhiều điểm du lịch như KDL sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã chính thức mở cửa và các làng du lịch cộng đồng mở cửa trở lại đã thu hút du khách tham quan và lưu trú. Địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các điểm du lịch như: Tiếp tục quảng bá sản phẩm địa phương phát triển du lịch, tăng cường liên kết các điểm đến nhằm tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.”
Mục liên quan