Chị Võ Ngọc Anh - Giám đốc khách sạn Fivitel
Với nghề khách sạn, vị trí càng cao thì áp lực càng lớn, mồ hôi tuôn ra còn nước mắt phải nuốt ngược vào trong. Và con đường thăng tiến duy nhất của nghề này là bạn phải trải nghiệm từ các vị trí thấp nhất và phát triển dần lên cao, vì đơn giản đây là nghề thực hành, bạn bắt buộc phải tích lũy kinh nghiệm và kiến thức từ những công việc thực tế. Không có con đường tắt dù bạn xuất thân từ trường quản trị danh giá nào, học bất kì chuyên ngành gì chăng nữa.
Trong chuỗi khách sạn của FVG Travel cũng chứng kiến nhiều vị Giám đốc đã vươn lên bằng con đường như thế. Chị Nguyễn Thị Hải, Giám đốc của khách sạn King’s Finger hiện nay, đã bắt đầu vào nghề từ vị trí thủ kho và đảm nhiệm nhiều công việc ở nhiều bộ phận trước khi được cất nhấc lên vị trí quản lý. Nhờ đó, chị không chỉ hiểu nghề, có kinh nghiệm xử lý tình huống mà còn có sự thông cảm, thấu hiểu với nỗi vất vả của nhân viên, để rồi chị trở thành vị Giám đốc tâm huyết, được mọi nhân viên yêu quý và tôn trọng.
Hay như chị Phạm Thị Nghĩa, Giám đốc của khách sạn Queen’s Finger, có quá trình bắt đầu đi lên từ vị trí nhân viên kinh doanh, rồi chăm sóc khách hàng. Qua thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, hiện giờ chị Nghĩa là Giám đốc trẻ nhất của khối khách sạn tại FVG Travel.
Chị Phạm Thị Nghĩa - Giám đốc khách sạn Queen's Finger
Để được tin tưởng giao cho vị trí Giám đốc khách sạn Gopatel & Spa như ngày hôm nay, anh Phạm Xuân Thắng cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau của một nhân viên khách sạn bình thường, chính vì vậy anh luôn có những “bí quyết” riêng để quản lý và xây dựng đội ngũ nhân sự mà như anh nói là nhờ việc trải nghiệm thực tế trong suốt quá trình làm việc từ vị trí nhân viên đi lên. Tương tự, chị Võ Ngọc Anh - Giám đốc khách sạn Fivitel cũng đi lên từ những khó khăn của cấp thấp hơn, bắt đầu từ khách sạn quy mô nhỏ rồi mới bước sang nhận trách nhiệm ở vị trí quản lý ở khách sạn quy mô lớn, nơi áp lực không đếm xuể nhờ có được những kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình làm nghề trước đó.
Anh Phạm Xuân Thắng - Giám đốc khách sạn Gopatel & Spa
Vì vậy, khi ở một vị trí quản lý của khách sạn mà không hiểu nghề, chưa từng đối mặt với các tình huống thực tế, không đi từ vị trí nhân viên, không hiểu rõ được nhiệm vụ của từng bộ phận khác nhau thì rất khó để đưa ra các quyết định, giải pháp có thể chạm đến cảm xúc khách hàng.
Như đã nói ở trên, muốn thành công trong nghề khách sạn, bạn phải trải qua nhiều vị trí khác nhau. Nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua khoảng thời gian đầy thử thách đó mà phải có đam mê đủ đầy, niềm hăng say trong công việc và kiên trì theo đuổi mới vươn tới thành công.
Có không ít bạn trẻ dành hẳn 3-4 năm ròng rã theo đuổi học nghề khách sạn để rồi khi ra trường đã bỏ dở công việc chỉ sau 1-2 tháng. Nguyên nhân của tình cảnh “đứt gánh giữa đường” này vô cùng đa dạng, có thể do thiếu hụt kỹ năng thực nghề, môi trường làm việc không như mong đợi, mức lương không thỏa đáng… Và dù vẫn còn đam mê thì thiếu kiên trì cũng là một trong những lý do khiến mối lương duyên với nghề dang dở.
Chị Nguyễn Thị Hải, Giám đốc khách sạn King’s Finger từng đưa ra lời khuyên dành cho các bạn trẻ: “Nghề khách sạn giống như nghề làm dâu trăm họ, khi đã xác định bước vào lĩnh vực này, bạn phải có đam mê, phải yêu nghề, yêu người và kiên trì thì mới có thể tiến xa hơn được.” Nói cách khác, làm nghề khách sạn, bạn phải chu toàn bữa ăn cho khách, chăm chút giấc ngủ của khách và làm hài lòng khách mọi lúc, mọi nơi. Sự hài lòng tuyệt đối của họ luôn là “kim chỉ nam” trong tất cả những gì bạn nỗ lực phục vụ.
Chị Nguyễn Thị Hải - Giám đốc khách sạn King's Finger
Vì vậy, để dấn thân vào nghề, ngoài “tinh thần thép”, chính bạn phải luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc khi chăm sóc khách hàng hay nói chính xác hơn là đam mê phục vụ, chăm sóc người khác thì mới có thể trụ lại với nghề đòi hỏi sự kiên trì tuyệt đối này.
Nghề khách sạn học từ thực tế và trau dồi kỹ năng từ kinh nghiệm. Các kiến thức được học chỉ là những chỉ dẫn để bạn làm đúng chứ không phải là cẩm nang để bạn làm tốt và làm xuất sắc. Chỉ có niềm đam mê mới có thể dấn thân và sáng tạo, chỉ có kiên trì mới giúp bạn dần dần đi đến thành công trong nghề khách sạn.
Nguồn: Tạp chí nội bộ FVG Travel (số 02, tháng 8/2018).
Mục liên quan