Tỉnh Quảng Nam với đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số như: Cơ Tu, Ca Dong, Cor, Mơ Nông, Xê Đăng, Giẻ Triêng (Ve-Tà Riêng) hiện đang sinh sống tại 9 huyện miền núi ... Mỗi độ dịp Tết đến xuân về, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên dãy đại ngàn Trường Sơn đều tổ chức ăn tết cổ truyền và mở hội. Mỗi dân tộc có một kiểu ăn Tết khác nhau và riêng biệt, đôi khi kéo dài và tạo thành mùa. Đó là lễ hội lớn, là “tết ấm no” của cộng đồng các dân tộc anh em, cũng là cách mà người dân vùng cao Quảng Nam gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình theo năm tháng.
Hằng năm, khi tiết trời dần trở nên ấm áp, báo hiệu mùa xuân về, lúa trên rẫy đã thu hoạch xong, phơi khô và đưa hết vào kho, khắp các bản làng ở vùng cao xứ Quảng nô nức đón lễ Tết mùa. Sau một năm lao động, đồng bào dân tộc các huyện vùng cao nơi dây tổ chức ăn Tết truyền thống của dân tộc mình trước khi đón Tết Nguyên đán cổ truyền. Nhà cửa được trang trí hết sức đẹp đẽ, các loại cung, nỏ, giáo mác, thanh la, trống chiêng được lau chùi cẩn thận.
Ông Tôn Thất Hướng - nhà nghiên cứu văn hóa Cơ Tu (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng bào các DTTS ở Quảng Nam chỉ tổ chức “ăn tết” theo phong tục tập quán của dân tộc mình. Đó là những Tết mùa, lễ hội Mừng lúa mới..., do đó mỗi dân tộc có một cái tết vào những thời điểm và theo những quan niệm khác nhau. Về cơ bản, Tết mùa được xem là Tết cổ truyền lớn nhất của đồng bào các dân tộc vùng cao để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn tụ. Con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ; chia sẻ những chuyện vui buồn trong năm.”
“Năm mới” theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu bắt đầu từ giữa tháng 2 âm lịch, là khi có tiếng sấm của Giàng và các vị thần linh báo hiệu đầu năm. Khi ấy, cộng đồng Cơ Tu tổ chức Tết mừng lúa mới. Tính theo mùa rẫy thì người Ca Dong ở Trà My ăn tết vào khoảng tháng Chạp đến tháng Giêng âm lịch. Thời điểm ấy, lúa đã thu hoạch xong đem cất vào nhà kho, đồng bào Ca Dong ở trong các thôn nóc tổ chức ăn tết. Tết của người Ca Dong không tổ chức cùng một ngày, tùy theo công việc thu hoạch nương rẫy mà mỗi thôn nóc có thời điểm ăn tết khác nhau.
Vào cuối đông, khi lúa trên các nương rẫy đã thu hoạch xong là dịp đồng bào Bhnoong khắp các bản làng ở vùng cao Phước Sơn ăn “tết mùa”, tổ chức lễ hội mừng lúa mới với những hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người Cor ở Quảng Nam cũng tổ chức ăn tết truyền thống của dân tộc mình, đó là tết giã ra. Đồng bào Xê Đăng, Giẻ Triêng cùng các DTTS khác ở Quảng Nam cũng có những cái tết đặc trưng mang tín ngưỡng văn hóa của dân tộc mình.
Mặc dù tổ chức vào các thời điểm khác nhau, nhưng lễ hội Mừng lúa mới của các dân tộc thiểu số ở dãy Trường Sơn châu chung một nghĩa là “Tết” giống như Tết Nguyên đán của người Kinh.
Nghi thức lễ dựng cây nêu, tạ ơn đất trời, thần linh, những người đã khuất đã phù hộ cho một năm được mùa, mong năm mới mưa thuận gió hòa, có sức khỏe, nhà nhà đoàn kết yên vui... Phạm vi lễ hội mở rộng ra cộng đồng làng và những làng chung quanh.
Từ lâu, đồng bào vùng núi Quảng Nam luôn xem mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của những lễ hội truyền thống, là mùa tình yêu. Vào mùa xuân, vạn vật cùng hoan ca hòa sắc, hòa âm tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, ai ai cũng trong trang phục truyền thống ấn tượng và như để cho tình người say đắm, ấm áp nồng nàn hơn. Mùa xuân, cũng là hành trình ngược lên Trường Sơn để khám phá và chung vui hội Xuân với đồng bào nơi đây.
Với sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền mà Tết Nguyên đán trở thành ngày hội lớn, cũng là dịp mà đồng bào các dân tộc anh em vùng cao xứ Quảng nô nức chuẩn bị trang hoàng nhà cửa trong mái Gươi, nhà rộng; tổ chức cúng tổ tiên, ông bà,cầu mong Giàng và các vị thần linh phù hộ năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, chuẩn bị nhiều món ăn quý để tiếp đãi khách quý đến chung vui, tập luyện các điệu dân ca, dân vũ.
Mỗi nơi sẽ có những tục lệ đón Tết cổ truyền với những nét đặc trưng riêng nhưng sẽ giống nhau về khát vọng âm nó, đoàn kết và thịnh vượng của mỗi dân tộc. Dịp Tết đến Xuân về, là dịp để đồng bào vùng cao Quảng Nam mở hội vui xuân, trình diễn các làn điệu, điệu múa nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình như múa Tung tung Da dá, nói lý, hát lý của đồng bào Cơ. Tư; những bài hát ru, hát trong khi dệt vải của người Giẻ Triêng: hát đối đáp ting ting của người Ca Dong; biểu diễn nhạc cụ của đồng bào Cơ Tu, Cor, Ca Dong.... Cùng nhiều làn điệu dân ca, dân vũ trữ tình, sâu lắng, ngân nga theo mây ngàn lan tỏa khắp núi rừng, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc sắc,
Nhiều năm trở lại đây, nhiều làng văn hóa cộng đồng như Tà Lang, Poning (Tây Giang), làng du lịch cộng đồng tại Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), Làng Văn hóa Cao Sơn, Làng Mường (Bắc Trà My), Làng du lịch cộng đồng Mộ Chai (Nam Trà My), khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang vào dịp Xuân cũng tổ chức các hoạt động mở hội Xuân, tái hiện thông qua hàng loạt nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Trong hội xuân, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội được diễn ra với đa dạng các trò chơi dân gian, các hoạt động giao lưu như: nhảy vòng, đẩy gậy, kéo co, giã gạo, đan lát và gói bánh, bắn cung, leo cột lồ ô... mang đến nhiều cảm xúc ấn tượng, khó quên đối với người dân lẫn du khách khi có dịp trải nghiệm tại khu du lịch.
Bên chén rượu đầu xuân, các già làng, trưởng bản thường kể cho con cháu truyền thống đoàn kết Kinh – Thượng anh em. Già làng Bhríu Pố (xã Lăng, huyện Tây Giang) cho biết: “Mỗi dịp Tết Nguyên đán, đồng bào Cơ Tu làng mình tập trung tại mái gươi để chuẩn bị bữa ăn chung cả làng và đón giao thừa. Bà con trong làng và các thôn trong xã thăm hỏi, chúc tết nhau. Tết Nguyên đán là tết chung của dân tộc nên bà con ai cũng rất vui”.
Theo quy luật đất trời, một mùa xuân nữa lại về, sắc xuân đã nhuộm thắm khắp đất trời núi rừng Trường Sơn. Thật hiếm nơi nào hội tụ đủ đầy những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cùng bản sắc văn hóa độc đáo, những món ăn hấp dẫn, điệu xoè mê hoặc như vùng cao xứ Quảng. Trong men say của đất trời, chúng ta như đắm chìm trong làn điệu với ca từ quyến luyến: “Đẹp, em đẹp như hoa pơlang/ Rạng rỡ, em sáng bừng sáng như hoa dhavai”. Mùa xuân, mùa tình yêu và mùa của những câu hát giao duyên cháy bỏng lòng người của những đôi trai gái trên vùng Trường Sơn lại bắt đầu....